Hotline 24H

Loãng Xương Có Thể Nhầm Với Đau Cột Sống

Bệnh loãng xương ít có triệu chứng điển hình, khi biểu hiện thì thường dưới dạng đau cột sống thắt lưng hay đau nhức xương.

>>> đọc thêm: Vitamin E Có Thể Gây Bệnh Loãng Xương / Cẩn Thận Với Dược Phẩm Gây Loãng Xương

Tuổi thọ trung bình dân số ngày càng cao, do người dân tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tần suất xuất hiện của những bệnh tuổi già sẽ gia tăng, trong đó có bệnh loãng xương. Tại Việt Nam, dự báo số người loãng xương vào năm 2030 là 4,5 triệu, số người bị gãy xương là 262.000.

Trò chuyện tại Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TP HCM cuối tuần qua, bác sĩ Nguyễn Đình Thông, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, loãng xương là một bệnh nội tiết với hai đặc điểm chính là lực của xương bị suy yếu, cấu trúc xương bị suy giảm và hậu quả là gãy xương.

Khi đã bị gãy xương thì bệnh nhân lại tăng nguy cơ xuất hiện những hậu quả nghiêm trọng khác như tăng nguy cơ gãy xương thêm một lần nữa, làm giảm tuổi thọ, mắc nhiều biến chứng khác, chất lượng cuộc sống giảm đáng kể…

Thể Dục Phòng Bệnh Loãng XươngTập thể dục mỗi ngày góp phần giúp phòng ngừa bệnh loãng xương.

Loãng xương có hai loại là loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát. Loãng xương nguyên phát xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh tự nhiên từ 5 đến 10 năm, hoặc phụ nữ mãn kinh sớm do đã phẫu thuật cắt buồng trứng, do bệnh lý và loãng xương người già xuất hiện ở cả nam lẫn nữ sau 70 tuổi. Loãng xương thứ phát là do bệnh khác gây ra hay do dùng các loại thuốc điều trị bệnh khác nhưng có tác dụng phụ làm loãng xương.

Theo bác sĩ Thông, loãng xương ít có triệu chứng điển hình, triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi khối lượng xương giảm trên 30%. Triệu chứng thường biểu hiện dưới dạng đau cột sống thắt lưng hay đau nhức xương. Những triệu chứng trễ của loãng xương như là gãy lún đốt sống làm xẹp đốt sống, làm cho chiều cao của cơ thể giảm đi so với thời trẻ, xuất hiện gù lưng, gãy cổ xương đùi, gãy xương cổ tay, viêm cơ khớp…

Vì triệu chứng của loãng xương có thể nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh khác như thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm…, nên cần chú ý đến các yếu tố nguy cơ như sau:

– Từng bị gãy xương sau 30 tuổi.

– Tiền sử gia đình có người bị gãy xương, đặc biệt là có cha mẹ bị gãy xương sau tuổi 50.

– Uống rượu, hút thuốc lá hơn 20 điếu mỗi ngày.

– Cơ thể nhẹ cân, thấp bé.

– Tuổi cao.

– Ít vận động, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

– Bất động trên 6 tháng.

– Khẩu phần ăn ít canxi.

– Mãn kinh sớm (trước tuổi 35).

– Dùng thuốc có tác dụng phụ làm loãng xương.

– Bệnh khác làm loãng xương như suy thận mạn, viêm khớp mạn tính, cường cận giáp…

Bác sĩ Thông lưu ý, cần đo mật độ xương đối với phụ nữ trên 65 tuổi, nam trên 70 tuổi. Ngoài ra, một số người có chỉ định đo mật độ xương là phụ nữ dưới 65 tuổi có ít nhất một yếu tố nguy cơ (ngoài yếu tố mãn kinh) như đã nêu, bệnh nhân có dấu hiệu loãng xương trên phim Xquang, nghi ngờ loãng xương ở những bệnh nhân dùng corticoid kéo dài, cường cận giáp nguyên phát, thứ phát không triệu chứng, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp…

Việc điều trị loãng xương hiện nay nhằm phòng chống hay giảm nguy cơ gãy xương, ngăn chặn tình trạng mất chất khoáng và cải thiện chất lượng xương. Đối với bệnh nhân đã gãy xương thì việc điều trị giúp ngăn chặn nguy cơ gãy xương lần kế tiếp.

Phòng ngừa bệnh loãng xương:

– Gia tăng khối lượng xương đỉnh bằng dinh dưỡng, tập luyện khi còn nhỏ.

– Tránh các yếu tố nguy cơ loãng xương có thể can thiệp được.

– Điều trị tốt các bệnh có thể gây loãng xương.

– Ngưng hút thuốc lá.

– Chế độ dinh dưỡng đầy đủ canxi và vitamin D.

– Tập thể dục mỗi ngày, giữ cân nặng hợp lý, tránh té ngã.

BV. Gia Định

Vitamin E Có Thể Gây Bệnh Loãng Xương
sex cams