Bệnh Loãng Xương
Loãng xương là một bệnh của xương tương đối phức tạp. Nó có thể là kết quả của tình trạng mất quá nhiều chất xương, hoặc sự tạo xương quá ít, hoặc cả hai. Chúng ta có thể chưa từng biết rằng bị loãng xương cho tới tận khi xương bị gãy, và có nghĩa là tại thời điểm đó, bệnh đã tiến triển từ lâu.
Từ loãng xương (Osteoporosis) xuất phát từ tiếng latin, trong đó osteo có nghĩa là “xương”, còn porosis có nghĩa là “lỗ thủng”. Mặc dù, ngay cả ở các xương khỏe mạnh cũng có các lỗ ở bên trong tạo thành một mạng lưới giống như cấu trúc của tổ ong, chính cấu trúc này làm cho xương cứng nhưng vẫn có độ đàn hồi nhất định. Tuy nhiên, những xương bị loãng thì có nhiều lỗ to hơn, làm chúng yếu hơn và có xu hướng dễ bị gãy hơn.
Mặc dù loãng xương ảnh hưởng cả giới nữ và nam, thì những nghiên cứu chỉ ra rằng có ½ nữ giới sẽ bị gãy xương do loãng xương, trong khi con số này ở nam giới cùng độ tuổi (>50 tuổi) là ¼ . Có khoảng 20% các bệnh nhân bị gãy khớp háng sẽ chết trong vòng 1 năm do các vấn đề liên quan đến bản thân sự gãy xương hoặc liên quan đến vấn đề phẫu thuật khớp háng. Rất nhiều người trong số những người còn sống sót sẽ phải có sự chăm sóc y tế trong một thời gian dài.
Những yếu tố nguy cơ
Có rất nhiều yếu tố khác nhau (yếu tố không thể kiểm soát và có thể kiểm soát) đặt chúng ta đối mặt với nguy cơ tình trạng loãng xương tiến triển
Những nguy cơ không thể kiểm soát
- Trên 50 tuổi
- Nữ giới
- Mạn kinh
- Tiền sử gia đình bị loãng xương
- Thấp cân, gầy, người nhỏ bé
- Đã từng bị gãy xương trước đó hoặc giảm chiều cao
Những yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát
- Không ăn đủ canxi và vitamin D
- Không ăn đủ hoa quả và rau
- Ăn quá nhiều protein, muối và café
- Không hoạt động
- Hút thuốc
- Uống nhiều rượu
- Giảm cân
Có những thuốc, như steroid và thuốc kháng axit, và một số bệnh (rối loạn miễn dịch). Những thuốc và bệnh này có thể gây mất chất xương và tăng nguy cơ loãng xương.
Vỡ lún thân đốt sống
Biến chứng phổ biến nhất của loãng xương là vỡ lún thân đốt sống. Ở một số người, loãng xương đã tiến triển, vỡ lún thân đốt sống có thể xảy ra trong khi thực hiện những động tác sinh hoạt hàng ngày, như cúi và bê vật nặng hoặc hậu quả động tác ngã rất nhẹ (ngồi hụt xuống ghế …)
Các thân đốt sống được ví như nhiều chiếc hộp sắp trồng lên nhau, trong loãng xương các hôp này như các hộp rỗng. Lún xẹp xảy ra khi thân đốt sống bị sập. Vỡ lún cột sống có thể dẫn tới đi bộ khó khăn và mất sự cân bằng dẫn tới tăng nguy cơ ngã và gãy xương vùng háng, cũng như các xương ở vị trí khác.
Những triệu chứng cho thấy bị loãng xương
- Đau lưng dữ dội và đột ngột
- Đau nhiều hơn khi đi lại hoặc đứng
- Đau giảm khi nghỉ ngơi (nằm)
- Đau tăng khi cúi/xoắn vặn
- Giảm chiều cao
- Biến dạng
Vỡ lún đốt sống có thể làm thay đổi hình dạng của cột sống. Một trong các biến dạng đó được gọi là “Gù cột sống”. Hiện tượng này làm cho người bệnh lưng ngày một còng, tạo nên một bướu gồ phía sau lưng.
Điều trị vỡ lún đốt sống
Điều trị bao gồm thuốc giảm đau, nẹp cột sống, điều trị loãng xương, và trong những trường hợp sập đốt sống tiến triển và đau tồn tại dai dẳng thì phẫu thuật được chỉ định. Hiện nay có hai cách điều trị xẹp đốt sống do loãng xuuơng là phương pháp bơm xi măng có bóng và không bóng. Mặc dù hai phương pháp này là hai quy trình khác nhau, nhưng cả hai đều sử dụng can thiệp ít xâm lấn để đưa xi măng vào thân đốt sống để làm vững cột sống bị gãy, giảm đau. Bơm xi măng có bóng giúp khôi phục một ít chiều cao của thân đốt sống bị lún. (Đọc thêm bài “Bơm xi măng sinh học cột sống”)
>>> tham khảo: Chi Phí Điều Trị Đốt Sống Bằng Bơm Xi Măng Sinh Học Là Bao Nhiêu ?
Ngăn ngừa loãng xương và các gãy xương liên quan
Mặc dù nhiều yếu tố nguy cơ, nhưng loãng xương là một bệnh xương có thể ngăn chặn. Phòng ngừa bệnh đầu tiên là ăn đồ ăn cân bằng giàu vitamin và khoáng chất chứa đủ số lượng canxi và vitamin D, tập luyện hàng ngày, tạo dựng những thói quen sinh hoạt lành mạnh (như không hút thuốc). Ngoài ra cũng có thể sử dụng một số loại thuốc chống loãng xương.