Tổng Quát Số Phương Pháp Điều Trị Thoát Vị Đĩa Đệm
Thoát vị đĩa đệm đôi khi tự khỏi thông qua một quá trình của cơ thể được gọi là “tái hấp thu”. Điều này có nghĩa là các mảnh vỡ nhỏ của đĩa đệm trong một số trường hợp có thể được cơ thể hấp thu. Phần lớn các bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có thể khỏi bởi điều trị bảo tồn, chỉ một số bệnh nhân đòi hỏi can thiệp phẫu thuật.
Điều trị bảo tồn
- Sau một tổn thương ban đầu, phương pháp trị liệu lạnh và thuốc sẽ được sử dụng.
- Trong vòng 24 đến 48 giờ đầu, phương pháp trị liệu lạnh giúp giảm sưng nề, giảm co thắt cơ và giảm đau do giảm lượng máu đi đến. Không bao giờ áp trực tiếp nguồn lạnh hoặc đá vào da. Thay vào đó bọc túi đá vào trong một cái khăn và đặt trên người không quá 15 phút.
- Thuốc: gồm thuốc chống viêm để giảm sưng, thuốc giãn cơ để giảm co thắt và thuốc giảm đau
- Đối với các trường hợp đau nhẹ hoặc trung bình có thể sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs). Những thuốc này vừa có tác dụng giảm đau vừa có tác dụng chống viêm.
Khi sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sỹ
Thông thường, sau 48 giờ đầu tiên, phương pháp trị liệu nóng có thể được sử dụng. Nóng giúp làm tăng lượng máu tưới tới mô có tác dụng làm ấm và thư giãn các mô mềm. Tưới máu tăng giúp loại bỏ những chất độc tích lũy trong các mô, các chất độc này gây co cứng cơ và làm tổn thương đĩa đệm. Không bao giờ áp trực tiếp sức nóng lên da (cũng giống trị liệu lạnh), thay vì vậy cuộn vật nóng trong một khăn bông dày và không áp lên da quá 20 phút.
Tiêm cột sống
>>> đọc thêm bài: Phong bế ngoài màng cứng qua lỗ liên hợp
Nếu đau chân nhiều hoặc tiến triển có thể sử dụng phương pháp tiêm steroid ngoài màng cứng. Nguyên lý của phương pháp này là đưa thuốc chống viêm steroid vào khoang ngoài màng cứng, gần chỗ rễ thần kinh bị kích thích/chèn ép ở cột sống thắt lưng. Đây là phương pháp cần có sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sỹ do tác dụng phụ của thuốc, cần trao đổi kỹ với bác sỹ trước khi tiến hành.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu bao gồm sự kết hợp của nhiều cách thức điều trị để giảm đau và tăng tính linh hoạt/mềm dẻo của cơ thể và cột sống. Liệu pháp lạnh và nóng, mát xa, kéo giãn, giãn khung chậu … là những ví dụ cho phương pháp này, nhưng với mỗi bệnh nhân sẽ có những kế hoạch khác nhau sẽ do bác sỹ phục hồi chức năng quyết định.
Trong vòng 4 đến 6 tuần, phần lớn bệnh nhân đáp ứng với điều trị bảo tồn.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn trên: đau liên tục, yếu chân. Trong một số ít trường hợp có thể gặp hiện tượng mất/giảm sự kiểm soát đại tiểu tiện, tê bì vùng tầng sinh môn (da xung quanh hậu môn và sinh dục bị tê), đây là những dấu hiệu của hội chứng đuôi ngựa, một thể rất nặng của thoát vị đĩa đệm cần phải can thiệp ngoại khoa cấp cứu.
Mục đích của phẫu thuật trong thoát vị đĩa đệm là giải phóng thần kinh để giảm đau lan xuống chân, cho nên phương án phẫu thuật chính là lấy thoát vị đĩa đệm (Discectomy- Lấy bỏ thoát vị cùng với có/không toàn bộ nhân nhày).
Trước đây, khi chúng ta lấy bỏ thoát vị theo phương pháp mổ mở: với đường rạch da, cân cơ rộng, sau đó gặm bỏ một phần xương phía cung sau để tạo đường vào tiếp cận khối thoát vị và đĩa đệm (Laminotomy – mở cửa sổ xương).
Hiện nay, chúng ta có phương pháp can thiệp ít xâm lấn với đường rạch da và cân cơ nhỏ vẫn giúp lấy được khối thoát vị. Ưu điểm của phương pháp là làm tổn thương các phần mềm xung quanh cột sống tối thiểu giúp bệnh nhân sớm bình phục. Để có thể thấy rõ các tổn thương và các cấu trúc giải phẫu như đĩa đệm các rễ thần kinh, các bác sỹ sẽ sử dụng kính vi phẫu thuật (có độ phóng đại lớn) trong lúc mổ.
Với mục đích giảm hơn nữa sự xâm lấn của phẫu thuật, các bác sỹ có thể sử dụng phương pháp nội soi lấy thoát vị, do đường kính của ống nội soi và các phương tiện lấy thoát vị rất nhỏ, phương pháp này có thể sử dụng để đi qua các lỗ tự nhiên ở cột sống (ví dụ nội soi qua lỗ liên hợp) mà không cần phải gặm bỏ xương cột sống vẫn có thể lấy được thoát vị.
Ngoài ra, các bác sỹ cũng có thể đặt những dụng cụ hỗ trợ vào cột sống sau khi đã lấy bỏ thoát vị đĩa đệm, ví dụ phương pháp nẹp silicon. Phương pháp này làm cột sống vững hơn nhưng vẫn đảm bảo độ mềm dẻo và vận động ở đĩa đệm can thiệp phẫu thuật.
Phòng bệnh
Ở trong bài “Thoát vị đĩa đệm xảy ra như thế nào?”, chúng ta có thể thấy một nguyên nhân phổ biến của thoát vị đĩa đệm là do lão hóa và điều đó có nghĩa là chúng ta không thể tránh được điều này. Nhưng nó không có nghĩa là chúng ta không thể làm bất cứ điều gì để ngăn ngừa thoát vị đĩa đệm. Có một vài yếu tố cần được kiểm soát để có một cột sống khỏe, đó là trong tư thế cần sinh lý, không hút thuốc, lựa chọn ăn đủ chất và bổ dưỡng, tập thể dục, tránh các vận động xấu tới cột sống như trong khi nâng vật nặng lên với phần lưng còng hoặc xoắn vặn.
đọc thêm bài “Người Bệnh Thoát Vị Đĩa Đệm Sau Mổ Nên Ăn Gì”
Làm tất cả những việc trên tuy không đảm bảo bạn sẽ không bị thoát vị đĩa đệm nhưng nói chung nó là các bước giúp lành mạnh cột sống và nó có thể ngăn ngừa đau lưng do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm.