Đừng Thờ Ơ Với Sức Khỏe Xương Khớp
Trước đây, những bệnh về xương khớp xuất hiện phổ biến ở người cao tuổi. Tuy nhiên hiện nay lại đang có xu hướng trẻ hóa đáng báo động. Các bệnh này tuy ít gây tử vong nhưng thường để lại các di chứng nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Bệnh không của riêng ai
Xương khớp như cái khung nâng đỡ cơ thể, tạo nên vóc dáng con người. Qua thời gian, cùng với sự “già đi” của cơ thể, chúng ta cũng dễ gặp các vấn đề liên quan đến xương khớp. Các bệnh xương khớp gây ra cảm giác đau đớn, cứng khớp, hạn chế vận động, ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống. Nếu không được giải quyết sớm một số trường hợp nặng sẽ dẫn tới biến dạng khớp, tàn phế, không thể cử động hay đi lại được.
Các bệnh xương khớp là một trong các bệnh phổ biến nhất ngày nay. Từ chị lao công, anh xe thồ đến các nhân viên nơi công sở; từ chị bán hàng, cô thợ may đến các ông giám đốc, dường như ai cũng có thể gặp vấn đề về xương khớp. Như vậy tìm ra phương pháp để “đánh chặn từ xa” nỗi lo đau xương khớp là điều cần thiết.
Số liệu thống kê cho thấy có đến 0,3 – 0,5% dân số thế giới bị bệnh lý về khớp, trong đó có 20% bị thoái hóa khớp. Ở nước ta, nhóm bệnh lý cơ xương khớp chiếm tỷ lệ khá cao và thường gặp ở mọi lứa tuổi, mọi vùng miền. Riêng bệnh thoái hóa khớp chiếm đến 10,41% các bệnh về xương khớp. Các bác sĩ cho rằng, thoái hóa khớp là bệnh lý do hậu quả của quá trình tích tuổi và sự chịu lực tác động thường xuyên lên khớp. Bệnh gây đau và biến đổi cấu trúc khớp dẫn đến tàn phế làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tạo nên gánh nặng cho kinh tế gia đình và xã hội.
Đối với những người làm công việc “bàn giấy”, thoát vị đĩa đệm luôn là căn bệnh ám ảnh bởi thói quen ngồi lâu, ít vận động theo tính chất công việc. Các bệnh này tuy ít gây tử vong nhưng thường để lại các di chứng nặng nề, làm người bệnh bị giảm hoặc mất khả năng vận động và lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập cá nhân và lợi ích kinh tế xã hội.
Giảm bớt nguy cơ về xương khớp
Tập luyện là một bước quan trọng giúp duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn để có thể “sống chung” với viêm khớp. Các bài tập tùy theo từng khớp đau, bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ hay kỹ thuật viên phục hồi chức năng về nội dung tập luyện. Chỉ nên tự tập khi đã có sự hướng dẫn và quen với các thao tác tập. Các trợ cụ tập có thể hữu ích dưới sự hướng dẫn chuyên môn.
Ở mỗi cơ thể khác nhau thì khả năng hấp thu và tái tạo khác nhau cho từng dinh dưỡng, cùng một triệu chứng đau khớp nhưng nguyên nhân ở mỗi cơ thể lại đang thiếu những chất khác nhau. Do vậy, gặp những vấn đề về đau khớp, thoái hóa khớp cần bổ sung đầy đủ sự kết hợp của các hoạt chất như glucosamine, collagen type II, chondroitin, vitamin C, vitamin D3, manganese, boron… thì mới có thể giải quyết được các vấn đề về đau khớp, bại khớp.