Chẩn Đoán X Quang Và Giải Phẫu Học Cột Sống
Bài viết dựa theo tài liệu của bệnh viện Quân Y 103. Nay Đai Lưng Cột Sống xin tóm gọn lại nội dung cho người đọc dể hiểu về phần chuẩn đoán xQuang và giải phẫu học cột sống. Nội dung được chia làm 3 phần chính:
1. Sơ lược giải phẫu cột sống
2. Phương pháp xét nghiệm X quang cột sống.
3. Chẩn đoán X quang một số bệnh thường gặp ở cột sống.
1. Sơ lược giải phẫu cột sống:
1.1. Đặc điểm chung:
+ Cột sống có từ 32 – 34 đốt và chia thành 5 đoạn:
– Đoạn cổ.
– Đoạn ngực.
– Đoạn thắt lưng.
– Đoạn cùng.
– Đoạn cụt.
+ Mỗi đốt sống gồm có:
– Thân đốt.
– Cuống sống.
– Hai mỏm ngang.
– Một mỏm gai (gai sau).
– Bốn mỏm khớp (hai khớp mấu sống trên và hai khớp mấu sống dưới).
1.2. Đặc điểm riêng của từng đoạn cột sống:
1.2.1. Đốt sống cổ (có 7 đốt):
+ Thân đốt nhỏ, rộng bề ngang.
+ Cuống sống không dính vào mặt sau mà dính vào mặt bên của thân đốt.
+ Mỏm ngang có lỗ cho động mạch đốt sống đi qua. Đỉnh mỏm gai tách làm 2 (trừ đốt sống cổ 7).
+ Đốt cổ 1 hay còn gọi là đốt đội (atlas) không có thân đốt sống, chỉ có hai cung nối với nhau bởi khối bên.
+ Đốt sống cổ 2 hay còn gọi là đốt trục (axis) có thân nhỏ, phía trước thân nhô lên một mỏm dài khoảng 1,5 cm gọi là mỏm nha.
+ Ngoài hệ thống các khớp liên mấu sống, cột sống cổ còn có khớp mấu bán nguyệt (khớp Luschka).
1.2.2. Đốt sống ngực (có 12 đốt):
Mỏm gai dài đi chếch xuống dưới, mỏm ngang có diện khớp với đầu xương sườn, để tạo thành khớp sống sườn.
1.2.3. Đốt sống thắt lưng (có 5 đốt):
+ Thân đốt sống to, rộng ngang.
+ Cuống đốt sống dày.
+ Mỏm ngang thắt lưng 3 dài nhất.
+ Mỏm gai hình chữ nhật.
1.2.4. Đốt sống cùng:
Có 5 đốt dính vào nhau thành một khối xương cùng tạo với xương chậu thành hai khớp cùng – chậu.
1.2.5. Đốt sống cụt:
Có 3 – 5 đốt nhỏ tạo thành xương cụt hình tam giác.
1.3. Cấu tạo đĩa đệm:
Đĩa đệm là một hình thấu kính hai mặt lồi, dày từ 3 đến 9mm, rất đàn hồi, được cấu tạo từ các lớp sụn và vòng sợi. Các vòng sợi đan chéo nhau thành các lớp đồng tâm. Chiều cao của đĩa đệm ở cột sống cổ là khoảng 3mm, ở cột sống ngực là 5 mm, ở cột sống thắt lưng là 9mm. Tổng chiều cao của 24 đĩa đệm chiếm khoảng 1/4 chiều cao cột sống. Đĩa đệm không cản quang trên phim chụp X quang thường. Trong lòng đĩa đệm có nhân nhầy. Nhân nhầy hình cầu hoặc hình bầu dục, được các lớp vòng sợi bao bọc xung quanh. Nhân nhầy thường nằm ở vị trí 2/3 sau của đĩa đệm.
1.4. ống tủy:
Ống tủy do các lỗ sống chồng lên nhau tạo thành, ở đoạn cổ và thắt lưng rộng, ở đoạn ngực hẹp. Ống tủy có hình tam giác, trừ đoạn ngực hình tròn. Chiều ngang được xác định bằng khoảng cách giữa hai chân cuống sống trên phim thẳng, chiều rộng trước – sau được xác định bằng khoảng cách giữa mặt sau thân đốt với mặt trước của mấu khớp dưới.
Ngoài ra cột sống còn có các dây chằng dọc trước, dọc sau, dây chằng vàng, dây chằng liên gai. Các dây chằng này tạo vững chắc thêm cho cột sống
2. Các phương pháp xét nghiệm X quang cột sống.
2.1. Chụp X quang quy ước cột sống:
2.1.1. Chụp thẳng, nghiêng cột sống cổ, lưng, thắt lưng, cùng cụt:
Phát hiện các dấu hiệu của thoái hoá cột sống, xẹp trượt, vỡ thân đốt… do chấn thương, các dị tật bẩm sinh (gai đôi, cùng hoá, thắt lưng hoá, trượt thân đốt và hở eo, dính thân đốt, gù vẹo bẩm sinh…), các hình bệnh lý (u, lao hoặc di căn ung thư , Bechterew…).
2.1.2. Chụp chếch 3/4 cột sống cổ :
+ Kỹ thuật chụp: tia X chiếu chếch với bình diện thẳng của cột sống cổ một góc 450 .
+ Mục đích: phát hiện hẹp lỗ ghép trong trường hợp có dấu hiệu chèn ép rễ thần kinh hoặc chèn ép động mạch sống của cột sống cổ
2.1.3. Chụp CI – CII:
+ Kỹ thuật chụp X quang: tia X chiếu từ trước ra sau, xuyên qua miệng ở tư thế bệnh nhân nằm ngửa, há miệng.
+ Mục đích: phát hiện gãy mỏm nha.
2.1.4. Chụp tủy cản quang (myelography) và chụp bao rễ thần kinh (saccoradiculography):
+ Kỹ thuật: tiêm cản quang vào ống tuỷ hoặc vào vùng bao rễ
+ Mục đích: phát hiện hẹp tắc ống tuỷ, chèn ống tủy, chèn ép bao rễ thần kinh do u tủy, thoát vị đĩa đệm.
2.2. Chụp cắt lớp vi tính (CT – Scanner):
Phương pháp chụp CLVT có lợi thế trong tạo ảnh cấu trúc xương của cột sống, được chỉ định trong chẩn đoán lao cột sống, u cột sống… Tuy nhiên phương pháp này ít được sử dụng trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm vì không hiện hình trực tiếp được đĩa đệm.
2.3. Chụp cộng hưởng từ (MRI):
Chụp cộng hưởng từ là phương pháp có giá trị nhất trong lĩnh vực tạo ảnh cột sống, tủy sống. Nó cho hình ảnh rõ nét về ống sống, đĩa đệm, tủy và ống tủy, rễ thần kinh và hệ thống các dây chằng, được chỉ định trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, u tủy và các bệnh lý khác ở cột sống.
3. Chẩn đoán X quang một số bệnh thường gặp ở cột sống.
3.1. Dị dạng cột sống:
3.1.1. Dị dạng cột sống do rối loạn chuyển tiếp:
+ Có thể có 8 đốt sống cổ.
+ Tồn tại xương sườn của đốt sống cổ VII một bên hay hai bên, thường là một trong những nguyên nhân gây chèn ép rễ thần kinh cánh tay.
+ Thắt lưng hoá DXII: sườn cụt DXII nhỏ. Cột sống thắt lưng trong trường hợp này tồn tại 6 đốt.
+ Thắt lưng hoá SI: đốt sống cùng I nhô lên đoạn thắt lưng để tạo thành đốt sống thắt lưng VI.
+ Cùng hoá LV: cột sống thắt lưng chỉ còn 4 đốt. Đốt sống LV dính vào khối xương cùng – cụt tạo thành khớp tân tạo một bên hoặc hai bên
3.1.2. Gai đôi và hở eo:
Nguyên nhân là do quá trình cốt hoá của cột sống thiếu hoàn thiện.
+ Gai đôi thường xuất hiện ở LV hoặc SI mỏm gai tách làm hai.
+ Hở eo là do sự cốt hoá không hoàn toàn phần cung sau đốt sống, thường gặp ở LIV và LV. Thấy được trên phim chụp chếch 3/4, có hình “đứt cổ chó”. Hở eo thường gây nên trượt đốt sống ra trước. Trượt do hở eo hoàn toàn tự phát, đôi khi sau một cơ hội là chấn thương nhẹ cột sống. Trượt thân đốt sống được xác định bằng sơ đồ Ulman ( trượt thân đốt sống sẽ vượt ra trước đường thẳng kẻ vuông góc với mặt trên thân đốt sống dưới ). Trượt thân đốt sống cũng có thể do nguyên nhân thoái hoá gây nên. Khi thoái hoá, đĩa đệm mất tính đàn hồi và sự liên kết giữa các mấu khớp của cột sống không còn chặt chẽ.
3.1.3. Dính hai thân đốt bẩm sinh:
Khác với dính hai thân đốt do lao, hai thân đốt dính với nhau cả ở khe đĩa đệm và dính cả phần cung sau, hai thân đốt không bị phá hủy vì thế trục cột sống không bị gù hoặc vẹo.
3.1.4. Tồn tại điểm cốt hoá góc trước đốt sống:
Điểm cốt hoá của thân đốt sống nằm ở các góc của thân đốt. Do quá trình cốt hoá không hoàn chỉnh, điểm cốt hoá tồn tại như một mảnh xương tách khỏi góc trước thân đốt, thường sau hoại tử vô khuẩn sụn tiếp hợp ( bệnh Scheuermann ).
3.1.5. Cong vẹo:
Nhìn trên phim thẳng tư thế trước – sau, cột sống bị lệch trục, một số đốt bị xoay trục kèm theo biến dạng thân đốt kiểu hình chêm như trong dị dạng nửa thân đốt ( hemivertebral ).
3.1.6. Gù đốt sống:
Nhìn trên phim chụp nghiêng, cột sống bị lồi ra sau gây gù, do thân đốt biến dạng kiểu hình chêm.
3.2. Bệnh thoái hoá cột sống:
+ Thường gặp ở người trên 40 tuổi. Theo Schmorl, thoái hoá cột sống là thoái hoá vòng xơ bao quanh đĩa đệm. Hậu quả là làm cho đĩa đệm căng phồng lên, lồi ra, dây chằng đốt sống bị kéo giãn và đóng vôi ở sát bờ đĩa đệm để hình thành nên mỏ xương, mỏ xương thường xuất hiện ở bờ trước và hai bên thân đốt sống, ít thấy ở bờ sau (nếu có thì sẽ chèn ép tủy sống). Chiều cao khe đĩa đệm trong thoái hoá cột sống lúc đầu ít thay đổi trong thời gian dài, sau đó cũng bị hẹp do tình trạng thoái hoá xương sụn gây ra (Osteochondrose) đặc biệt là thoái hoá đĩa đệm.
+ Mỏ xương xuất hiện đồng thời ở các thân đốt sống, nhất là ở đốt sống cổ và thắt lưng do đóng vôi ở các dây chằng.
+ Nếu mức độ nặng, mỏ xương hai thân đốt sống dính thành cầu xương. Một dấu hiệu khác thường kèm theo mỏ xương là hình ảnh dày xương dưới sụn của diện thân đốt tạo nên đường mờ đậm ở bờ trên và bờ dưới thân đốt sống.
3.3. Thoát vị đĩa đệm:
+ Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng thoát nhân nhầy của đĩa đệm qua lỗ rách của vòng xơ. Sự di chuyển của nhân nhầy thường ra phía sau và gây chèn ép vào ống tủy và rễ thần kinh.
+ Thoát vị đĩa đệm thường hay gặp ở cột sống thắt lưng, có thể xảy ra ở cột sống cổ, hiếm gặp ở cột sống ngực.
Trên phim chụp X quang quy ước không cho hình ảnh trực tiếp của thoát vị đĩa đệm, tuy nhiên có một thể thoát vị đặc biệt có thể cho hình ảnh trên phim chụp X quang quy ước đó là thể thoát vị vào trong thân đốt (thoát vị Schmorl). Thể thoát vị này thường xảy ra ở những bệnh nhân có loãng xương cột sống mức độ nặng.
+ Trên phim chụp X quang bao rễ thấy:
– Thoát vị đĩa đệm thể trung tâm: hình chèn đẩy cắt cụt hoàn toàn cột thuốc cản quang ở ngang với khe đĩa đệm tương ứng.
– Thoát vị đĩa đệm loại lệch bên: nhân nhầy đĩa đệm có thể di chuyển vào cạnh lỗ ghép để chèn vào rễ thần kinh. Thoát vị lệch bên chụp bao rễ tư thế chếch 3/4 thấy cột thuốc bị khuyết lõm bên thoát vị. Trên phim thẳng có thể thấy cắt cụt rễ, phim nghiêng không thấy chèn đẩy cột thuốc.
+ Trên phim chụp cộng hưởng từ:
Đây là phương pháp tạo ảnh cho độ tin cậy cao nhất trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm. Đặc biệt trên ảnh T2 cho thấy hình ảnh trực tiếp giảm tín hiệu của nhân nhầy của đĩa đệm (biểu hiện tình trạng mất nước của đĩa đệm do quá trình thoái hoá gây nên). Trên ảnh chụp bình diện dọc (sagittal), nếu thoát vị đĩa đệm thì thấy rõ đĩa đệm lồi ra sau chèn đẩy ống sống và trên ảnh cắt ngang (axial), cho thấy các dạng thoát vị (trung tâm, lệch phải, lệch trái cắt cụt rễ thần kinh).
3.4. Chấn thương cột sống:
Chấn thương cột sống là bệnh lý hay gặp do tai nạn giao thông, sinh hoạt, lao động. Các tổn thương thường gặp là:
+ Vỡ thân đốt: đường gãy chạy ngang thân đốt, gây gián đoạn hoặc gập góc ở bờ trên thân đốt.
+ Xẹp thân đốt: chiều cao thân đốt bị xẹp xuống, đậm độ cản quang tăng hơn các đốt lân cận, thường lún ở bờ trước thân đốt nên hình thân đốt bị xẹp có dạng hình chêm. Khe đĩa đệm nói chung là không bị hẹp.
+ Trượt thân đốt: thường trượt ra trước, ra sau hoặc sang bên, có thể gây chèn ép tủy hoặc cắt đứt tủy hoàn toàn.
+ Gãy mỏm nha CII.
+ Gãy mỏm ngang: thường gãy mỏm ngang ở các thân đốt sống thắt lưng.
+ Gãy cung sau, mỏm gai ít gặp.
3.5. Lao cột sống:
+ Lao cột sống là bệnh hay gặp nhất trong các bệnh lao xương khớp; thường gặp ở đốt sống DIX – DX và LI – LII. Hình ảnh lao cột sống diễn biến qua ba giai đoạn:
– Giai đoạn sớm: hẹp khe đĩa đệm, thấy được trên cả hai phim thẳng và nghiêng (rõ nhất là trên phim nghiêng). Giai đoạn đầu hẹp khe đĩa đệm còn kín đáo, cần so sánh với khe đĩa đệm lân cận.
– Giai đoạn toàn phát: cùng với dấu hiệu hẹp khe đĩa đệm là hình ảnh phá hủy của vi khuẩn lao vào thân đốt sống. Bờ thân đốt sát đĩa đệm nham nhở, thân đốt xẹp hình chêm, đường cong sinh lý bị biến dạng gập ra trước gây gù.
– Giai đoạn hồi phục và di chứng: các thân đốt bị lao dính liền với nhau, mất khe đĩa đệm; ở cột sống ngực có hình “chân nhện”.
Ngoài ra còn có thể thấy hình ảnh ổ áp xe lạnh. Đó là đám mờ hình thoi nằm hai bên vùng đốt sống bị tổn thương lao (thường chỉ thấy rõ ở đốt sống ngực). Áp xe lạnh thường xuất hiện ở giai đoạn toàn phát của bệnh, có thể gây rò, tồn tại cho đến khi ổ lao khỏi hẳn.
+ Chẩn đoán phân biệt:
– Thoái hoá cột sống: thoái hoá cột sống mức độ nặng cũng gây hẹp khe đĩa đệm, nhưng không có hình ảnh tiêu xương ở diện thân đốt sát đĩa đệm mà ngược lại là hình dày đậm xương ở bờ diện thân đốt sát đĩa đệm do xơ hoá lớp xương dưới sụn. Lao cột sống không có mỏ xương và không có quá trình dày xương như trong thoái hoá.
– Chấn thương cột sống: xẹp do chấn thương có hình dày xương cả đốt sống và khe đĩa đệm rộng ra.
– Ung thư cột sống: tiêu xương do lao ở thân và bờ trước đốt sống, không ở cung sau. Ung thư thường phá hủy cung sau và gai sau.
3.6. Bệnh viêm cột sống dính khớp (Bechterew – Strumpell – Marie):
+ Khởi đầu của bệnh Bechterew là viêm khớp cùng – chậu (chiếm tới 70%), tiếp theo là thưa xương ở cột sống. Sớm nhất là khoảng sau 3 năm sẽ xuất hiện vôi hoá các dây chằng và dính các khớp của cột sống. Khi vôi hoá các dây chằng dọc trước, liên gai, dây chằng bên của cột sống sẽ giống hình ảnh “cột sống cây tre”, “đường ray xe lửa”.
+ Bệnh Bechterew là bệnh viêm cột sống dính khớp lan toả, giai đoạn đầu tổn thương chính là ở cột sống và khớp cùng chậu, về sau hàng loạt các khớp khác cũng bị dính như khớp háng.
3.7. Bệnh u tủy sống:
Có thể có các loại:
+ U ngoài màng cứng.
+ U trong màng cứng ngoài tủy.
+ U trong tủy.
Chụp tủy cản quang cho thấy cột thuốc cản quang bị tắc hoàn toàn có hình “đáy chén”, hình “càng cua”.
Hiện nay chụp cộng hưởng từ là phương pháp tạo ảnh có độ tin cậy cao nhất trong chẩn đoán u tủy. Trên cộng hưởng từ cho thấy hình ảnh trực tiếp u tủy về kích thước cũng như vị trí. Trên ảnh cắt ngang có thể cho biết sự liên quan của u với tủy, màng não tủy và các rễ thần kinh.