Hotline 24H

Hướng Dẫn Cách Hồi Phục Sau Khi Mổ Cột Sống Thắt Lưng

Sau khi mổ cơ thể cần thời gian cho sự hồi phục các tổn thương mô và trở lại hoạt động hàng ngày. Sự hồi phục cần thời gian trước khi bạn cảm thấy thực sự khỏi hẳn. Sự hồi phục bao gồm 2 phần, tại bệnh viện và tại nhà. Tùy theo mức độ tổn thương thần kinh trước mổ, mức độ can thiệp phẫu thuật, thể trạng trước mổ, tuổi, mà sự hồi phục sẽ diễn ra nhanh hay chậm.

NHỮNG GIỜ ĐẦU SAU MỔ

Nếu bạn được mổ cột sống thắt lưng cao hoặc trường hợp cần phải mê thì bạn có thể được gây mê. Một ống thở (ống nội khí quản) sẽ được đặt vào trong khí quản, ống này được nối với máy thở trong quá trình mổ. Sau mổ, bạn sẽ được rút ống nội khí quản và được chuyển tới phòng hồi tỉnh. Bạn có thể được thở oxy nếu cần thiết.

Nếu mổ cột sống thắt lưng thấp bạn sẽ được tê tuỷ sống, sau khi tê tuỷ sống bạn sẽ tạm thời mất cảm giác và vận động của vùng thắt lưng và 2 chân. Điều đó cho phép bác sĩ có thể mổ cho bạn được trong khi bạn vẫn tỉnh và nói chuyện được với bác sĩ. Cảm giác tê và vận động sẽ hồi phục sau mổ 2-3 giờ.

VẤN ĐỀ THÔNG TIỂU

Trước mổ bạn sẽ được đặt một ống thông tiểu, ống này sẽ giúp dẫn nước tiểu từ bàng quang qua niệu đạo và ra ngoài, chảy vào một túi. Ống thông tiểu sẽ giúp lưu thông nước tiểu tốt trong suốt quá trình mổ và theo dõi sau mổ tốt hơn. Ống thông tiểu thường được rút sau mổ 1-2 ngày.

VẬN ĐỘNG NGAY SAU MỔ

Ngay sau mổ, khi bạn có cảm giác và vận động 2 chân bạn phải bắt đầu phải tập luyện từ khi còn nằm trên giường. Các động tác như nâng gối, nâng cẳng chân, dạng khép chân, đạp xe có thể thực hiện được từ mức độ nhẹ và tăng dần. Bên cạnh đó bạn cũng nên lăn trở tư thế nằm mỗi 2 giờ một lần (trừ lúc ngủ).

Việc tập luyện giúp rút ngắn thời gian hồi phục cũng như giảm những nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sau, loét tì đè. Tắc mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu là một biến chứng nguy hiểm và có thể gặp ở những bệnh nhân bất động sau mổ, tiền sử tắc mạch, béo phì, lớn tuổi, nằm giường quá 3 ngày.

CÁCH DẬY KHỎI GIƯỜNG VÀ TẬP ĐI

Việc rời khỏi giường đi lại nên được tiến hành càng sớm càng tốt, tuỳ theo loại phẫu thuật và loại đau sau mổ. Trong những ngày nằm viện y tá sẽ hỗ trợ bạn trong những lần dậy khỏi giường đầu tiên.

Khi dậy khỏi giường trước tiên bạn hãy nâng đầu giường cao lên từ từ rồi tập ngồi trước để bạn quen với tư thế này. Nếu ngồi không chóng mặt bạn có thể tập dậy khỏi giường tập đứng và đi những bước đầu tiên với sự hỗ trợ của y tá.

Bạn cũng sẽ được y tá phát đai lưng trước khi tập ngồi và tập đi. Họ sẽ chọn đai lưng phù hợp với vòng bụng của bạn. Việc mang đai lưng sẽ giúp cố định phần thắt lưng của bạn, giúp giảm đau và giúp vết mổ hồi phục sớm hơn.

SỰ HỒI PHỤC CẢM XÚC

Sau phẫu thuật một số bệnh nhân ủ rủ và cảm xúc đi xuống. Đừng sợ cảm xúc này kéo dài thời gian hồi phục của bạn. Cảm xúc thay đổi là chuyện bình thường và sự vận động sẽ làm tình trạng này tốt lên. Hãy lên kế hoạch cố gắng luyện tập mỗi ngày và giữ cảm xúc tích cực.

ĐAU SAU MỔ

Sau mổ đương nhiên bạn sẽ đau vết mổ, tuỳ mức độ can thiệp của phẫu thuật mà bạn sẽ đau nhiều hay ít. Và bác sĩ điều trị cho bạn sẽ dùng các thuốc để giúp bạn đau ít nhất có thể. Các biện pháp đó có thể bao gồm thuốc chống viêm giảm đau, thuốc nguồn gốc thuốc phiện (Tramadol, Morphin, Fantanyl…).

Nếu bạn tê đau chân như trước mổ hoặc đau hơn thì nên báo bác sĩ biết và đánh giá đúng mức độ đau để họ có thái độ xử trí phù hợp. Việc nói quá mức độ đau, mô tả không đúng vị trí của đau sẽ làm sai lệch điều trị của bác sĩ và bạn dễ gặp tác dụng không mong muốn của các thuốc giảm đau.

Trong hầu hết các trường hợp bạn sẽ hết đau ngay sau mổ thành công và cảm giác tê bì sẽ hết chậm hơn. Khi sự khỏi vết thương diễn ra, cảm giác khó chịu này dần dần giảm đi. Bạn cũng có thể được kê một vài thuốc giãn cơ và chống viêm. Dần dần bạn cũng có thể dùng ít thuốc giảm đau và tăng quảng thời gian giữa các đợt uống thuốc. Bên cạnh đó cũng có thể kết hợp các biện pháp giảm đau không thuốc như dầu nóng, tập luyện từ từ, massage, nghỉ ngơi chút và thay đổi tư thế.

SINH HOẠT VẬN ĐỘNG

Sau mổ cột sống thắt lưng có 3 vấn đề cơ bản về vận động cần chú ý:

  • Không nâng vật nặng quá 6kg.
  • Tránh cúi- ngửa
  • Tránh các động tác xoay

Đai lưng được mang mỗi khi bạn dậy khỏi giường và đai này được khuyến cáo mang từ 6 tuần (với mổ thoát vị đĩa đệm) cho tới 3 tháng sau mổ (với mổ cố định cột sống bằng nẹp vít).

Sau khi về nhà tuỳ theo mức độ tổn thương mà bạn có thể tham gia dần các công việc nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày. Các hoạt động nhẹ nhàng như quét nhà, rửa chén bát… có thể được.

CHĂM SÓC VẾT MỔ

Trong những ngày đầu sau mổ vết mổ có thể thấm dịch nhiều, do đó nên thay băng mỗi ngày một lần, những ngày sau (thường từ ngày thứ 4 hoặc 5) có thể thay băng mỗi 2 ngày 1 lần. Điều quan trọng là vết mổ cần được sạch và khô. Việc thay băng nên được một nhân viên y tế thực hiện, bạn không nên tự làm vì nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ khi bạn không rành về quy trình thay băng.

Trong quá trình chăm sóc vết mổ cần chú ý phát hiện sớm các dấu hiệu của nhiễm trùng vết mổ: sưng, nóng, đỏ, đau, chảy dịch mủ.

Chỉ sẽ được cắt vào ngày thứ 10 – 14 tuỳ theo vết mổ cũng như thể trạng nền bệnh nhân (tình trạng dinh dưỡng kém hoặc giảm miễn dịch, đái tháo đường…).

HOẠT ĐỘNG TÌNH DỤC SAU MỔ

Không có chống chỉ định kiêng sinh hoạt tình dục sau mổ. Tuy nhiên, hãy tránh các tư thế gây đau, các tư thế có cử động phần cột sống mổ nhiều. Ví dụ nếu bạn mổ cột sống lưng thì cần chú ý vấn đề này vì phần lưng tham gia khá nhiều tư thế tình dục.

LÁI XE, NGỒI XE SAU MỔ

Việc lái xe nên tiến hành muộn, khi bạn thấy hết đau thường thì ít nhất 3 tuần sau mổ với những phẫu thuật nhỏ như thoát vị đĩa đệm, những phẫu thuật lớn hơn nên đợi ít nhất 6 tuần. Trong thời gian này, nếu bạn cần lái xe/ngồi xe thì tốt nhất nên mang đai lưng để lưng của bạn được nghỉ ngơi và tránh đau khi lái/ngồi xe.

KHỈ NÀO CẦN KHÁM LẠI?

Nếu quá trình hồi phục của bạn tốt, bạn hết đau tê tay chân, hết đau lưng, vết mổ ổn thì không cần thiết phải khám lại. Nhưng nếu có tê đau tay chân hay vẫn đau lưng thì trước hết hãy liên lạc với bác sĩ điều trị của bạn, hầu hết các trường hợp chỉ cần điều trị thuốc hoặc nghỉ ngơi.

Nếu phẫu thuật thành công, cảm giác đau hết sớm, cảm giác tê và châm chích có thể hết cùng lúc với cảm giác đau hoặc có khi còn tồn tại đến 18 tháng sau mổ. Hãy liên hệ lại với bác sĩ điều trị để họ bổ sung các thuốc uống để giúp hồi phục thần kinh sớm.

Trong trường hợp điều trị bổ sung như thuốc, vật lý trị liệu sau mổ không hiệu quả, việc chụp lại phim Xquang, MRI (cộng hưởng từ), xét nghiệm máu là cần thiết.

NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI SỰ HỒI PHỤC SAU MỔ

Hút thuốc lá, tình trạng dinh dưỡng kém, đái tháo đường, giảm miễn dịch, lười vận động là những yếu tố làm kéo dài thời gian hồi phục. Đặc biệt, thuốc lá sẽ làm co mạch hạn chế tưới máu cho vết mổ làm chậm liền vết mổ, bên cạnh đó nó cũng giúp làm chậm sự hồi phục thần kinh. Việc kiểm soát đường huyết cũng cực kỳ quan trọng, sau mổ bác sĩ điều trị sẽ theo dõi đường máu khi ở bệnh viện và duy trì nồng độ đường máu ổn định sau mổ. Nhưng khi về nhà có thể bạn sẽ phải tự làm điều đó, bạn có thể mua một máy thử đường máu tại nhà và thông báo cho bác sĩ điều trị nếu đường máu cao hơn mức bình thường. Đồng thời tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường.

BS Nguyễn Hữu Đoàn

Cao Thêm 7cm Nhờ Nắn Cột Sống Từ Vẹo Thành Thẳng
Phân Loại Bệnh Trượt Đốt Sống