Cẩn Thận Thoát Vị Đĩa Đệm Sau Khi Sinh
Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm trong thời gian thai kỳ và sau sinh rất dễ nhầm lẫn với các cơn đau mỏi bình thường khiến sản phụ dễ chủ quan. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bà mẹ nhận biết được các dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm sau sinh, từ đó có hướng điều trị kịp thời.
Nguy cơ thoát vị đĩa đệm từ khi mang thai
Trong thời gian mang thai, tử cung của người mẹ mở rộng khiến cơ bụng bị yếu, gây áp lực lên vùng lưng. Cột sống cũng bị kéo ra phía trước để đỡ bụng bầu khiến cột sống lưng bị quá tải. Cân nặng của thai phụ tăng nhiều trong quá trình mang thai càng tạo áp lực mạnh hơn lên các khớp, đốt sống lưng và đĩa đệm. Tất cả những lý do này đều có thể là nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống lưng, nhưng khi có dấu hiệu đau trong thai kỳ bệnh nhân thường chủ quan không khám ngay mà thường để sau khi sinh xong, lúc bệnh đã biến chứng nặng rồi mới đi khám.
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm sau sinh
Khi mang thai, cân nặng của cơ thể mẹ bầu tăng, cùng với những thay đổi về cấu trúc xương khớp để phù hợp với sự phát triển của em bé đã vô tình tạo sức ép lên cột sống, gây ra các cơn đau tại vùng thắt lưng, xương chậu. Trong đó nhiều trường hợp dẫn đến thoát vị đĩa đệm, gây chứng đau thắt lưng, đau hông và đau lan xuống chân.
Sau khi sinh, các cơn đau do thoát vị đĩa đệm có thể được giảm bớt, nhưng nếu không điều trị bệnh đúng phương pháp, thoát vị đĩa đệm sau sinh sẽ có chiều hướng tăng dần lên, ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng sinh hoạt, vận động của người bệnh.
Tùy vào mức độ của bệnh mà các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm sau sinh có thể là nội khoa (điều trị với thuốc) hoặc ngoại khoa (điều trị bằng phẫu thuật xâm lấn). Do đó, người bệnh cần sớm thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa để có những chỉ định tốt nhất. Bên cạnh đó người bệnh nên chú ý kết hợp nghỉ ngơi khoa học, tránh làm việc nặng, mang vác nặng gây ảnh hưởng tới cột sống…
Phòng tránh thoát vị đĩa đệm sau sinh
Để phòng tránh thoát vị đĩa đệm sau sinh thì ngay từ khi mang thai các bà mẹ cần chú ý:
– Có chế độ ăn uống hợp lý, tránh việc tăng cân quá nhiều trong quá trình mang thai, vì hiện tượng này có thể gây ra nhiều bất lợi cho sức khỏe của cả sản phụ lẫn em bé; đồng thời gia tăng áp lực lên cột sống, khiến sản phụ dễ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm.
– Cẩn thận trong các hoạt động đi lại, làm việc, vận động, tránh các tác động và thay đổi tư thế đột ngột vùng cột sống thắt lưng.
– Có thể tập các bài tập thể dục, yoga tốt cho phụ nữ mang thai để tránh các triệu chứng đau nhức vùng đốt sống lưng trong quá trình mang thai. Nên tập nhẹ nhàng và tập các bài tập phù hợp với từng giai đoạn thai kỳ.
– Xoa bóp nhẹ nhàng vùng thắt lưng, đặc biệt là buổi tối trước khi đi ngủ giúp giảm đau nhức và rất tốt cho thai nhi.
– Khám thai thường xuyên để đánh giá sự phát triển của thai nhi, đồng thời thai phụ cũng cần đánh giá sức khỏe tổng quát, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ để tiên lượng trước các vấn đề trong và sau khi sinh đẻ.