Nguyên Nhân Chính Dẫn Đên Tê Tay
Tê tay là một trong những điều khó chịu mà hiện nay rất nhiều người mắc phải, kể cả người cao tuổi lẫn người trẻ tuổi, đặc biệt là những người đi làm văn phòng. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tê tay nhưng có hai nguyên nhân chủ yếu là do hội chứng ống cổ tay và viêm khớp dạng thấp. Vậy phân biệt chúng bằng cách nào?
Hội chứng ống cổ tay
Triệu chứng lâm sàng của hội chứng ống cổ tay là bệnh nhân thường đau, dị cảm, tê cứng ở ba ngón rưỡi do thần kinh giữa chi phối, nhưng cũng có lúc tê cả bàn tay. Chứng tê này thường xuất hiện về đêm ,có thể đánh thức bệnh nhân dậy, và giảm đi khi nâng tay cao hoặc vẫy cổ tay như vẫy nhiệt kế. Đau và tê tay có thể lan lên cẳng tay, khuỷu hoặc vai.
Khi phải vận động cổ tay, ngón tay nhiều như lái xe máy, xách giỏ đi chợ, làm việc bàn giấy… thì tê xuất hiện lại. Lúc đầu tê có cơn và tự hết mà không cần điều trị. Sau đó cơn tê ngày càng kéo dài. Có những bệnh nhân bị tê rần suốt cả ngày. Sau một thời gian tê, người bệnh có thể đột nhiên bớt tê nhưng bắt đầu thấy việc cầm nắm yếu dần hoặc bị run tay, viết khó, dễ làm rớt đồ vật.
Những triệu chứng kể trên là điển hình cho tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay. Thường thì triệu chứng điển hình gặp ở một tay, nhưng cũng có thể gặp ở cả 2 tay.
>> đọc thêm: Dấu Hiệu Nhận Biết Bệnh Tê Bì Chân Tay / Bị Tê Buốt Chân Tay Là Triệu Chứng Bệnh Gì?
Viêm khớp dạng thấp
Ngược lại, các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến cả hai tay cùng một lúc. Các ngón tay thường có cảm giác căng cứng, nhất là buổi sáng.
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng tùy thuộc và mức độ viêm ở các khớp xương và cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp viêm khớp dạng thấp bị nặng, các khớp ngón tay, cổ tay bị biến dạng. Bởi viêm khớp dạng thấp là một bệnh rối loạn hệ thống miễn dịch, toàn bộ cơ thể bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Ngoài ra, người bệnh có thể có thêm các biểu hiện như: mệt mỏi, chán ăn và nhức mỏi cơ thể.
Không giống như hội chứng ống cổ tay, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến tất cả các ngón tay và thường xảy ra đối xứng trên các khớp ở cả hai bên cơ thể.
Khi có các dấu hiệu lâm sàng nêu trên, để xác định được đúng nguyên nhân từ đó có biện pháp điều trị phù hợp, người bệnh cần tới các bác sỹ chuyên khoa càng sớm càng tốt để làm các xét nghiệm và thăm dò cần thiết nhằm đánh giá đúng tình trạng bệnh và có chiến lược điều trị phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất.