Vật Lý Trị Liệu Trong Điều Trị Bệnh Thoái Hóa Khớp Gối
Do chịu sức nặng từ trọng lượng cơ thể, nhất là khi vận động và thay đổi tư thế, khớp gối chính là một trong những khớp thường xảy ra hiện tượng thoái hóa nhất. Trong điều trị bệnh thoái hóa khớp gối, phương pháp vật lý trị liệu được ưu tiên lựa chọn.
>>> xem thêm: Điều Trị Bệnh Lao Xương Khớp / Cách Ngăn Ngừa Thoái Hóa Khớp Hiệu Quả
Trên 40 tuổi dễ bị thoái hóa khớp gối
– Thoái hóa khớp gối chỉ hiện tượng sụn khớp bị mòn theo thời gian, hư mặt sụn khớp do các nguyên nhân như chấn thương, béo phì, chơi các môn thể thao nặng (bóng đá, bóng chuyền, tennis, cử tạ) làm khớp gối phải chịu một lực quá tải trong thời gian dài. Viêm khớp, di truyền, rối loạn chuyển hóa, nội tiết cũng là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thoái hóa của khớp.
Nhìn chung, nữ giới thường mắc thoái hóa khớp gối nhiều hơn nam. Những người ở độ tuổi 40 trở lên là đối tượng dễ mắc bệnh này, một số trường hợp xảy ra ở lứa tuổi trẻ hơn thường là do chấn thương.
Thoái hóa khớp gối làm giảm chức năng sinh hoạt hằng ngày, làm chất lượng cuộc sống bị suy giảm. Vì vậy, điều quan trọng là cần phát hiện sớm để ngăn ngừa quá trình thoái hóa thêm, phục hồi các chức năng sinh hoạt hằng ngày, hạn chế nguy cơ dẫn tới tàn phế.
Việc điều trị thoái hóa khớp gối bao gồm điều trị nội khoa và ngoại khoa. Tuy nhiên, với những ưu điểm như giảm đau, giảm phù nề, tăng lực cơ, tăng tầm vận động khớp gối, phục hồi các chức năng sinh hoạt, vật lý trị liệu là phương pháp được ưu tiên trong điều trị bệnh.
Điều trị vật lý trị liệu
– Giảm đau, tăng tuần hoàn: bao gồm các biện pháp là chiếu đèn hồng ngoại, chườm nóng, chiếu thấu nhiệt vi sóng, điều trị bằng các dòng điện giảm đau (dòng Ten, dòng giao thoa…), sóng siêu âm giảm đau, kháng viêm, làm mềm tổ chức tổn thương xơ sẹo trong sâu, hướng dẫn sử dụng băng thun hoặc bó gối để cố định khớp gối khi đi lại, lên xuống cầu thang.
– Huấn luyện cơ, tập mạnh các nhóm cơ gập – duỗi khớp gối, các nhóm cơ gập – duỗi – dang – áp khớp hông để hỗ trợ khớp gối tùy vào lực cơ người bệnh, gia tăng tầm vận động khớp gối, độ di động xương bánh chè: kỹ thuật P.N.F, tập đề kháng bằng tay, bằng tạ, dây thun co giãn, tập di động xương bánh chè, tập chịu sức, lên xuống cầu thang.
Hướng dẫn người bệnh các bài tập tại nhà:
1) Người bệnh nằm ngửa, gập hai bàn chân về phía đầu, cố gắng ấn hai nhượng chân xuống nệm, giữ lại đến lúc nào mỏi thì đạp hai bàn chân xuống, cố gắng ấn hai gót chân xuống nệm, giữ lại đến lúc nào mỏi thì lặp lại động tác ban đầu. Mỗi động tác làm 15-20 lần.
2) Người bệnh nằm ngửa, chân bên phải gập bàn chân về phía đầu, nâng cao chân lên khoảng 30-45 độ so với mặt giường, giữ lại đến lúc nào mỏi thì đổi qua chân bên trái, mỗi bên lặp lại 15-20 lần.
Nếu lực cơ người bệnh tốt, có thể tập đề kháng bằng tạ thẻ, túi cát ( đeo ở vùng bắp chân hoặc cổ chân ), trọng lượng tăng từ 0,5 – 4kg tùy theo khả năng người bệnh. Cách tập này sẽ giúp lực cơ mạnh nhanh hơn.
3) Người bệnh nằm nghiêng bên phải, chân bên phải co lên, chân bên trái thẳng đồng thời gập cổ bàn chân trái về phía đầu, nâng cao chân trái khoảng 30-45 độ so với mặt giường, giữ lại đến lúc nào mỏi thì nghỉ. Thực hiện động tác 15-20 lần. Người bệnh có thể tập đề kháng bằng tạ thẻ, túi cát. Sau đó nằm nghiêng qua bên trái, lặp lại động tác trên với chân bên phải.
4) Người bệnh nằm sấp, đeo tạ thẻ hoặc túi cát vào hai chân, co duỗi từng chân luân phiên, làm mỗi bên 15-20 lần.
5) Người bệnh ngồi trên giường, thòng hai chân xuống. Chân bên phải gập mặt lưng cổ chân ( ngóc cao cổ chân ), giơ chân thẳng, giữ lại đến lúc nào mỏi thì đổi qua chân bên trái, mỗi bên lặp lại 15-20 lần. Người bệnh có thể tập đề kháng bằng tạ thẻ, túi cát.
6) Tập với bục gỗ hoặc bục inox cao khoảng 20cm. Người bệnh đứng thẳng, chân bên phải bước lên bục, chân bên trái đứng dưới sàn nhà, sau đó cố gắng bước chân bên trái lên bục rồi bước xuống từ từ. Lặp lại động tác đến khi mỏi thì đổi chân, mỗi bên lặp lại 15-20 lần. Bài tập có tác dụng tăng sức mạnh cơ cho hai chân.
Làm 6 động tác trên thì tính 1 đợt, mỗi ngày người bệnh có thể làm 2-3 đợt tùy theo tình trạng sức khỏe.
Bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối cần lưu ý một vài điểm sau:
– Trước khi đứng dậy đi nên co – duỗi khớp gối hai chân nhịp nhàng 20-30 lần.
– Cố gắng duy trì các bài tập mạnh cơ để hỗ trợ khớp gối vững vàng hơn.
– Cần giảm cân khi mới có hiện tượng béo phì hoặc đang trong tình trạng dư cân, béo phì.
– Tránh tư thế ngồi xổm vì tư thế này sẽ làm mất cân bằng lực chịu sức trên khớp gối, gây đau khi cử động và làm quá trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn.
– Khi tập đi bộ, lên xuống cầu thang, chơi thể thao nên lưu ý sử dụng băng thun hoặc bó gối. Động tác chuẩn bị này giúp cố định khớp gối nhằm làm cho khớp gối vững vàng hơn.
– Người bệnh có thể bơi lội, đạp xe đạp tại chỗ, tập dưỡng sinh…
– Khi bị đau hoặc chấn thương khớp gối cần đi đến bệnh viện, các cơ sở y tế để khám và chụp X-quang sớm nhằm có cách xử trí tốt nhất, hạn chế quá trình tiến triển thoái hóa khớp dẫn đến hư khớp.
– Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách, nâng đồ vật.
– Với trẻ em, cần phát hiện sớm các bệnh còi xương, chân chữ X, chân vòng kiềng, các dị tật của xương khớp, cột sống để có biện pháp chữa trị, ngăn ngừa thoái hóa khớp thứ phát.