Hotline 24H

Hội Chứng Ống Cổ Tay

Là tình trạng đau buốt và tê ở ba ngón rưỡi bàn tay (ngón cái, trỏ, giữa và nữa ngón áp út), lan tỏa trong sâu ở các ngón tay, lòng bàn tay và lan lên cẳng tay, lâu ngày đưa đến teo cơ mô cái do chèn ép thần kinh giữa ở vùng cổ tay.

Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam (gấp 2 đến 3 lần), 30 đến 60 tuổi, thường ở những người ít vận động. Các yếu tố nguy cơ như lớn tuổi, nữ, béo phì, hút thuốc lá, rung động cổ tay nhiều do nghề nghiệp như công nhân nhà máy, bồi bàn, nội trợ …

vị trí thấn kinh giữa

Ống cổ tay là một ống hình trụ tiếp nối giữa cẳng tay và lòng bàn tay, không đàn hồi. Phía sau và trong là các xương cổ tay; phía ngoài là xương thuyền, xương thang và bao gân gấp cổ tay quay; mặt lòng là cân gan tay sâu ở phía trên, dây chằng ngang cổ tay và lớp cân mạc giữa các cơ mô cái và dưới mô cái ở dưới. Thần kinh giữa nằm trong ống cổ tay, phía sau thần kinh giữa có các gân gấp các ngón và ngón cái.

xương cổ tay

Khi áp lực trong ống cổ tay tăng 20 – 30 mmHg sẽ làm thiếu máu nuôi thần kinh và ảnh hưởng chức năng thần kinh.

Nguyên nhân:

Bất kỳ yếu tố nào nào làm làm giảm kích thước ống cổ tay hoặc tăng kích thước các thành phần trong ống ống tay đều làm chèn ép thần kinh giữa và gây hội chứng ống cổ tay. Tình trạng khác như: béo phì, tiểu đường, rối loạn chức năng tuyến giáp, hoặc một số bệnh nhân có thói quen để bàn tay gấp quá mức lúc ngủ cũng bị hội chứng ống cổ tay. Vận động gấp – duỗi mạnh, lập đi lập lại nhiều lần của các ngón tay và cổ tay cũng có thể làm cho hội chứng ống cổ tay nặng lên.

Các nguyên nhâu sau có thể gây hội chứng ống cổ tay hoặc làm hội chứng ống cổ tay nặng lên:

1/ Bất thương giải phẫu:

Giảm kích thước ống cổ tay: bất thường các xương cổ tay, bệnh to đầu chi, gấp – duỗi cổ tay quá mức.

Tăng thể tích các thành phần trong ống cổ tay:

  • Gãy xương, trật khớp vùng cổ tay do chấn thương.
  • Biến đổi các gân cơ.
  • Cơ lạc chỗ (cơ giun, cơ gan tay dài, cơ gan tay sâu).
  • Các bướu: u thần kinh, u mỡ, nang hạch.
  • Bất thương động mạch giữa: huyết khối, thông nối.
  • Phì đại màng hoạt dịch.
  • Máu tụ.

2/ Bất thường sinh lý:

  • Bệnh lý thần kinh: tiểu đường, nghiện rượu, tiếp xúc các dung môi công nghiệp.
  • Viêm: viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, viêm màng hoạt dịch không điển hình, nhiễm trùng.
  • Rối loạn cân bằng nước: đang mang thai, mãn kinh, động kinh, rối loạn chức năng tuyến giáp, suy thận, lọc máu kéo dài, hội chứng Raynaud, béo phì, lupus ban đỏ, xơ cứng bì, thoái hóa dạng bột, bệnh Paget.

3/ Lực tác động từ bên ngoài: cử động rung (công nhân làm việc thường xuyên với máy móc), chèn ép trực tiếp.

– Hội chứng ống cổ tay ở phụ nữ mang thai có thể tự khỏi sau sanh. Chèn ép ống cổ tay do lạc chỗ cơ vùng cẳng tay hoặc do huyết khối động mạch giữa có thể khó chữa khỏi ở một số bệnh nhân.

– Hội chứng ống cổ tay hiếm gặp ở trẻ em. Theo Lamberti và Light, trẻ bị bệnh to đầu chi, có tiền sử gia đình bị hội chứng ống cổ tay cũng là một yếu tố gợi ý ở trẻ em. Triệu chứng thường không rõ ràng, bệnh nhân mất đi sự khéo léo của bàn tay và đau lan tỏa. Teo cơ mô cái là dấu hiệu muộn. Nếu chèn ép lâu thì dấu hiệu Phalen và Tinel sẽ không còn nữa. Đo điện cơ (EMG) giúp xác định vị trí chèn ép thần kinh.

Chẩn đoán:

Triệu chứng thường gặp nhất là bệnh nhân bị dị cảm ba ngón rưỡi (cái, trỏ, giữa và nữa ngoài ngón áp út) sau khi ngủ làm bệnh nhân phải thức giấc, tê buốt cả bàn tay, tập vận động bàn tay thì triệu chứng sẽ giảm. Nếu bệnh kéo dài sẽ đưa đến teo cơ mô cái.

Tìm các dấu hiệu: dấu hiệu Tinel, dấu Phalen, dấu Durkan. Bệnh nhân vận động gắng sức, kéo dài bàn tay hoặc dùng băng huyết áp ga rô cánh tay cũng làm khởi phát triệu chứng.

Đo điện cơ: giúp xác định vị trí tổn thương thần kinh (ở ống cổ tay, khuỷu, nách hay ở cổ) và có giá trị theo dõi khả năng hồi phục sau mổ.

Chụp CT Scanner chỉ thấy rõ cấu trúc xương chứ không thấy mô mềm.

Siêu âm chỉ chó phép đánh giá vận động các gân gập trong ống cổ tay chứ không đánh giá được bề mặt mô mềm.

Chụp cộng hưởng từ (MRI): cho thấy được rõ chi tiết cấu trúc xương và mô mềm.

Điều trị:

Hội chứng ống cổ tay nhẹ, chưa teo cơ mô cái: nẹp bất động cổ tay vào ban đêm và tiêm corticoid tại chỗ chỉ có tác dụng giảm đau. Tránh tiêm vào rễ thần kinh.

Nẹp bất động cổ tay ban đêm

Các yếu tố tiên lượng khả năng điều trị bảo tồn gồm:

1/ Bệnh nhân trên 50 tuổi.
2/ Bệnh kéo dài trên 10 tháng.
3/ Dị cảm hằng định liên tục.
4/ Có kèm viêm chít hẹp bao gân gập ngón tay.
5/ Phalen test dương tính trong thời gian dưới 30 giây.

Nếu bệnh nhân có 3 yếu tố trên thì khả năng điều trị bảo tồn càng kém hiệu quả. Nếu có 4 hoặc 5 yếu tố trên thì hầu như không thể điều trị bảo tồn được và phải phẫu thuật giải phóng thần kinh giữa. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân trên 70 tuổi, thần kinh bị chèn ép nặng, kéo dài thì phẫu thuật chỉ giải quyết một phần triệu chứng chứ không phục hồi hoàn toàn.

phẩu thuật giải phóng thần kinh giữa

Có nhiều kỹ thuật mổ hội chứng ống cổ tay: kỹ thuật mổ mở kinh điển với đường mổ dài từ cẳng tay đến lòng bàn tay (hình dưới). Với đường mổ lớn này thì sẹo mổ lớn (mất tính thẩm mỹ), sau mổ bệnh nhân đau nhiều, có thể bị sẹo co rút và dày dính vết mổ, phục phồi chậm.

thần kinh giữa

Kỹ thuật mổ nhỏ ít xâm lấn và mổ nội soi với ưu điểm là sẹo nhỏ (tính thẩm mỹ cao), ít đau, không gây co rút, dày dính vết mổ, phục phồi nhanh so với mổ lớn.

Kỹ thuật xâm lấn tối thiểu

Sau mổ cho bệnh nhân mang nẹp bất động cổ tay 2 tuần, sau đó trở lại công việc nhẹ. Bệnh nhân có thể trở lại công việc hoàn toàn bình thường sau 4 – 6 tuần.

BS.CKII.NGUYỄN VĂN KHOAN

Sinh Hoạt Hợp Lý Để Bảo Vệ Khớp
Giãn Dây Chằng Đầu Gối & Cách Điều Trị