Những Thông Tin Cơ Bản Về Ung Thư Xương
Ung thư xương ( tế bào ung thư phát sinh tại chỗ hoặc di căn từ cơ quan khác đến xương ) là tên gọi rất ám ảnh, tuy nhiên thực tế nó không “khủng khiếp” đến mức như mọi người vẫn nghĩ. Trong bài viết này, Đai Lưng Cột Sống mong muốn gửi đến các Bạn những thông tin cơ bản nhất về căn bệnh này.
>>> đọc thêm: Bài Tập Cổ Giúp Bảo Vệ Cột Sống
Điều đầu tiên ĐLCS muốn chia sẻ với các Bạn đó là bệnh ung thư xương rất hiếm gặp, đặc biệt là nhóm ung thư xương nguyên phát (tế bào ung thư phát sinh tại xương, nhóm này chỉ chiếm khoảng 0.5% trong tổng số các loại ung thư). Ung thư xương thứ phát (Tế bào ung thư “chạy” từ cơ quan khác đến xương) hay gặp hơn, nhưng tổn thương này lại hay gặp ở người tương đối lớn tuổi.
Với nhóm ung thư xương nguyên phát, người ta phân ra các nhóm chính bao gồm: ung thư tế bào tạo xương, ung thư tế bào tạo sụn, ung thư tế bào liên kết xương, u tế bào khổng lồ ác tính, bệnh Sarcome Ewing, u nguyên sống, u men các xương dài. Liệt kê ra cảm giác nhiều như vậy, nhưng thực tế tỷ lệ người bị ung thư xương nguyên phát rất thấp (khoảng 0.5% trong tổng số các loại ung thư), loại ung thư này hầu hết gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi (10 -> 25 tuổi), tỷ lệ nam nhiều hơn nữ một chút.
Với nhóm ung thư xương thứ phát, tỷ lệ gặp có nhiều hơn nhóm nguyên phát, tuy nhiên những tổn thương này thường xuất hiện ở người lớn tuổi và không có sự khác biệt về tỷ lệ mắc ở hai giới. Với nhóm tổn thương này, ung thư phổi là ung thư hay di căn đến xương khớp nhất (khoảng 30% ung thư thứ phát tại xương có nguồn gốc từ ung thư phổi), tiếp đến là ung thư vú ở nữ giới (~24%), đa u tủy xương (~13%), ung thư đường tiêu hóa (~9%) và ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới (~8%).
Về chẩn đoán phát hiện bệnh, triệu chứng nổi bật nhất là đau nhức xương, đau thường khu trú một vị trí nhất định, đau tăng về đêm và cường độ tăng dần theo thời gian. Để giúp chẩn đoán xác định ung thư xương (cả nguyên phát và di căn), bệnh nhân cần được thực hiện một vài hoặc tất cả những thăm dò sau: chụp phim X-quang xương các bình diện, chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ vùng tổn thương, đo xạ hình xương, sinh thiết vùng tổn thương để xét nghiệm tế bào học. Ngoài ra khi nghi ngờ là ung thư xương do di căn từ cơ quan khác đến, chúng ta cần thực hiện thêm một số thăm dò bổ sung tùy trường hợp cụ thể như chụp X-quang phổi, siêu âm tuyến vú-tuyến giáp-tuyến tiền liệt, xét nghiệm yếu tố ung thư trong máu, nội soi dạ dày-đại tràng, chụp PET..
Về điều trị, với ung thư xương nguyên phát ở người trẻ, sử dụng hóa chất trước phẫu thuật kết hợp phẫu thuật loại bỏ vùng tổn thương u cho kết quả rất khả quan, tỷ lệ sống trên 5 năm có thể lên đến 60->70%. Gần đây, xạ trị chọn lọc vùng tổn thương cũng đã mang đến những kết quả rất tốt. Với ung thư xương thứ phát, tiên lượng kém hơn vì nhóm bệnh này thường xuất hiện ở người lớn tuổi, kèm theo có tổn thương ung thư ở một hoặc nhiều cơ quan khác (nguyên phát). Chiến lược điều trị ung thư xương thứ phát phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thể trạng bệnh nhân, ung thư nguyên phát là ở cơ quan nào, ung thư di căn đến một xương hay nhiều xương, quyết tâm của bệnh nhân và gia đình.. Ở đó, mục đích ưu tiên trong điều trị vẫn là chất lượng sống (giảm đau) cho bệnh nhân.
Vậy cách phòng tránh bệnh ung thư xương là gì?
Dự phòng và phát hiện sớm nhóm bệnh này?! Đó chính là “cách sống” của Bạn: ăn uống hợp vệ sinh-có chọn lọc-vưa đủ, luôn có một quỹ thời gian cho mình để thể dục thể thao đều đặn hằng ngày, giữ một tâm hồn thư thái, độ lượng và bao dung, lấy nụ cười làm thang thuốc bổ cho mình và gửi tặng đến mọi người, kiểm tra sức khỏe định kỳ 3->6 tháng/1 lần.